Bàn chuyện tình yêu…

Không ngờ cũng có ngày tôi viết về tình yêu…

Nhân ngày Valentine 14/2, tôi bèn ghi chép vài suy nghĩ về tình yêu. Tôi không tự tin gì để nói về chuyện tình cảm, vì trong số các loại “chuyện”, chuyện này là vòng vo, khó lường và có tính sát thương bậc nhất, mà tôi thì có phải chuyên gia gì đâu…

Nhưng viết ra, âu cũng là cách để củng cố – hoặc lắng nghe những lời phản biện – những niềm tin được xây đắp qua mấy năm nay, có phần ngô nghê vì tác giả còn ít tuổi và rất ít kinh nghiệm tình trường.

Tôi nghĩ cái chính yếu khi hai người yêu nhau là họ trước tiên phải là bạn thân.

Khi hai người là bạn, họ sẽ nâng đỡ, dìu dắt nhau và có xu hướng đồng hành cùng nhau hơn. Vì vậy, sự gắn kết giữa họ sẽ lấp đầy kẽ hở mà mối quan hệ đôi lứa thuần túy tạo ra. Rất nhiều các cặp đôi phát triển từ tình bạn. Tôi tin đây là một kiểu nền tảng bền vững: hai người đã tiếp xúc nhau trong khoảng thời gian tương đối dài, đã hiểu sở thích, đặc điểm tính cách và lối suy nghĩ của nhau, cũng như cùng hiện diện trong một số cột mốc cuộc đời của nhau. Khi đam mê cuồng nhiệt, họ là tình nhân. Lúc mọi thứ êm dịu hơn, họ là đôi bạn, là tri kỉ. Ngược lại cũng tốt: hai người bắt đầu một mối quan hệ tình cảm đôi lứa, rồi từ yêu thành thương, thành một người bạn tâm giao. Đó là lý do các vụ mai mối, xem mắt cũng không phải là một ý quá tồi, và hôn nhân được sắp đặt vẫn là một lựa chọn mang tính thực tế trong nhiều trường hợp.

Tôi tin là ít nhiều gì chúng ta rồi sẽ có đôi lần “yêu xa”

Có hàng trăm lý do một người phải rời chỗ ở cũ, vì vậy từ yêu gần mà chuyển thành yêu xa. Đối với dân đi làm, lắm lúc họ cần phải chuyển sang tỉnh hoặc nước khác để rộng đường phát triển sự nghiệp, hoặc học tập nâng cao chuyên môn. Một số ngành phát triển tốt hơn ở nơi này chứ không phải nơi kia. Tình trạng này có thể tạm thời hoặc lâu dài. Khi yêu một người, dựa vào đặc điểm ngành học hoặc ngành công tác, bạn phần nào có thể dự đoán nguy cơ phải “yêu xa.”

Ngày nay, khi toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh chóng và sâu rộng hơn, người ta khó mà giữ cho mình ở yên một chỗ mà không bị thui chột. Việc bạn chọn đi và yêu cầu người yêu hoặc bạn đời của mình phải đi theo mình có thể là một giải pháp, nhưng bạn có nghĩ cho cô/ anh ấy chưa? Có bao nhiêu cơ hội và mối quan hệ mà người bạn yêu phải đánh mất khi đồng ý di chuyển theo bạn? Khoảng cách địa lý và chênh lệch múi giờ quả thật rất khốc liệt. Khi bạn đang ngủ, bạn gái bạn cần tâm sự sau một ngày dài mệt mỏi. Những cảm xúc tích tụ dần, cộng với các mối quan hệ bạn bè mới nảy sinh không bị khoảng cách địa lý và chênh lệch múi giờ phá đám, dần lăm le khiến lời nguyền yêu xa là xa nhau luôn trở thành sự thật.

Khoảng cách vừa có thể khiến tình cảm đậm đà hơn vừa có thể làm nó trở nên nhạt nhẽo hơn. Nhiều quá thì dễ lạc nhau. Ít quá thì thiếu yếu tố bất ngờ.

Tôi học được từ một người anh tôi rất quý là khi yêu xa, hai người phải lên kế hoạch gặp nhau. Có thể là ở nơi của chàng, hoặc của nàng, hoặc một nơi thứ ba để cả hai vừa du lịch khám phá vừa dành thời gian cho nhau. Mục tiêu tài chính vừa đủ để chi trả cho những chuyến đi như thế, tuy vậy, có thể trở thành gánh nặng, nhưng mặt khác lại khiến ta có cảm giác chuyến đi ấy xứng đáng và chất lượng hơn hẳn.

Về lâu về dài, nhất định hai người yêu xa phải tìm cho ra phương án để về bên cạnh nhau, là sự thể hiện mong muốn gắn kết một cách nghiêm túc cũng như để có nhiều thời gian bên cạnh đồng hành cùng nhau hơn. Một kế hoạch như thế sẽ kéo theo nhiều điều tốt đẹp hơn: hạn chót cho sự trưởng thành và chín chắn, quả quyết nắm bắt cơ hội, hoặc tự thử thách bản thân bước ra khỏi vùng an toàn.

Khoảng cách vừa có thể khiến tình cảm đậm đà hơn vừa có thể làm nó trở nên nhạt nhẽo hơn. Nhiều quá thì dễ lạc nhau. Ít quá thì thiếu yếu tố bất ngờ. Ảnh của RODNAE Productions trên Pexels.com

Tôi học được bài học vô giá: đối thoại.

Việc đối thoại giữa hai người yêu nhau nên diễn ra thường xuyên, và đôi khi không vì lý do gì cả. Đối thoại càng quan trọng hơn nếu hai người đang gặp trục trặc. Cả hai sẽ vừa sắm vai bác sĩ, vừa là bệnh nhân, bắt mạch và kê toa cho nhau. Không có mối quan hệ nào trơn tru đến mức không xảy ra bất khi xung khắc hoặc đổ vỡ lớn nhỏ nào – nếu bạn không thấy, có thể sự xung khắc đầu tiên sẽ là sự xung khắc cuối cùng, vì sau đó thì không còn mối quan hệ nào nữa. Không phải khi không mà người ta nói rằng có yêu nhau thì sẽ có cãi nhau, mà cãi nhau xong mới hiểu nhau hơn. Đôi lúc, trong thời bình, cả hai đều cố gắng mắt nhắm mắt mở để cho qua chuyện, nhưng cái sự bất bình thì vẫn ở đó, tích tụ ngày qua ngày. Chỉ khi ngòi nổ được châm, người ta mới hiểu ra rằng người yêu của mình rất không vừa lòng với một hành động nào đó của mình. Một cặp đôi biết đối thoại là một cặp đôi nghiêm túc với tình cảm của mình, biết tìm ra chỗ khiếm khuyết và chịu khó hành động để sửa chữa.

Tôi thấy yêu người bằng tuổi cũng được. Không đến nỗi nào.

Có điều này tôi phải công nhận là đúng: yêu người bằng tuổi khó khăn vô cùng.

Từ góc nhìn của bạn nữ, các bạn nam bằng tuổi thường chưa chín chắn bằng họ, có vẻ lông bông, ham chơi và chưa đạt thành tựu gì trong công việc. Không có cảm giác an toàn. Nhiều nhu cầu vật chất sẽ không được đáp ứng. Nhìn thấy các anh trai khác, chững chạc và thành đạt, bạn thấy chạnh lòng.

Từ góc nhìn của bạn nam, các bạn nữ bằng tuổi thường có mong muốn kết hôn ngay vì “tuổi xuân có hạn” (vấn đề này quả thật có gây nhiều tranh cãi, nhưng tôi không định lạm bàn tại đây), nhưng oái oăm là bạn nam cùng tuổi lại không có khả năng đó vì sự nghiệp vẫn còn bấp bênh, chưa đủ điều kiện tài chính, trừ khi anh chàng này là “người thừa kế” hoặc trúng đậm một phi vụ gì đó. Điều này vô tình gây ra xung khắc giữa hai người. Cuối cùng là em muốn anh có nhà có xe để cưới em, hay bỏ khách hàng ngoài kia để về chở em đi chơi Valentine? Em muốn được cả hai ư? Em điên rồi!

Nói vậy không phải yêu người cùng tuổi lúc nào cũng là điệp vụ bất khả thi. Nếu cả hai chấp nhận những khiếm khuyết hoặc “chỗ khó” của người kia do đặc tính tuổi tác, họ vẫn có thể chấp nhận đồng hành cùng nhau để trở thành phiên bản tốt hơn của hiện tại. Kiên nhẫn đồng hành để cùng nhau trưởng thành, nói thì dễ, làm mới khó.

Hãy làm đôi bạn cùng tiến!

Học tập cùng nhau, xin việc cùng nhau (cùng nhau trải qua quá trình đó thôi chứ không cần chung công ty), du lịch cùng nhau, khám phá sở thích mới cùng nhau, tiết kiệm cùng nhau, kiểu vậy. Cả hai nên trở thành động lực phấn đấu giỏi hơn và đẹp hơn cho nhau, cũng như tự tăng giá trị cho bản thân mình, để lỡ có phải ngừng cuộc vui này sớm thì ít nhất vẫn là hai con người tốt hơn so với ngày xưa. Điều này cũng giúp giảm thiểu sự bực tức và cay cú khi chuyện không thành.

Ảnh của Katerina Holmes trên Pexels.com

Tôi không tin mình cần phải lùng sục đi tìm “nửa kia” duy nhất

Quan niệm “nửa kia” của mọi người thường là: tồn tại duy nhất một nghiệm “nửa kia” và chúng ta phải đi tìm nó giống như làm bài toán tìm x vậy.

Tôi nghĩ không nhất thiết phải như vậy. Chúng ta đều có một vài tiêu chí quan trọng lựa chọn bạn đời, những tiêu chí không thể nào thiếu, và ta không muốn nhân nhượng bỏ qua khi đối phương trót không hoàn hảo như mong đợi (và điều này dĩ nhiên sẽ xảy ra). Ví dụ, tôi sẽ không khoan nhượng khoản uống rượu bia, hút thuốc, gia trưởng và không có chí cầu tiến. Nếu bạn nam nào có một trong bốn đặc điểm trên, tôi sẽ thẳng tay gạt ra khỏi hành trình tìm kiếm nửa kia của mình. Tôi sẽ sẵn sàng trao cơ hội cho toàn bộ các bạn nam còn lại có ý muốn theo đuổi mình, và quan sát để ghi nhận thêm về các giá trị cốt lõi của họ. Bạn đam mê kiếm tiền hơn việc thật sự tạo ra giá trị cho cộng đồng? Bye bạn. Bạn yêu cái đẹp và hiền hòa, dịu dàng? Rất tốt, bạn sẽ được vào vòng kế tiếp… Đến cuối cùng, khi bạn nam đã vượt qua mọi vòng, xin chúc mừng bạn đã tìm được “nửa kia!” Nhưng nói như vậy cũng có nghĩa là tồn tại ở đâu đó một “nửa kia” khác cũng vượt qua mọi vòng thử thách y hệt như vậy, nhưng bạn vẫn chưa gặp người đó, hoặc bạn đã không trao cơ hội cho anh ta. Cũng chẳng sao. Vì lựa chọn của bạn đã là bạn nam kia, người đã vượt qua từng thử thách bạn đặt ra. À, đương nhiên là trên thực tế, cả hai sẽ thử thách lẫn nhau chứ không phải câu đố chỉ được đưa ra từ một bên.

Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong… Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi vì chính nó đã được ta bắt sâu, diệt bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than vãn, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im câm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ…

Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupery), bản dịch của Bùi Giáng

Tôi thấy độc thân cũng không tệ chút nào. Cái gì cũng có cái vui và không vui riêng của nó.

Bạn nghĩ sao về tình trạng độc thân? Tôi xem nó như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho tình trạng “đang hẹn hò” sau này. Bạn có thể tận hưởng những kiểu thú vui mà người đã có bạn trai/ gái không thể tận hưởng, ví dụ như buông lời lả lơi với crush, hoặc dành nhiều thời gian ở một mình để không làm gì cả, hoặc có rất nhiều bạn thân là nam. Hãy sống một cuộc đời độc thân thật rực rỡ và không cố tình đi tìm tình yêu, rồi tự nhiên một ngày nào đó tình yêu cũng sẽ gõ cửa, và bạn sẽ tận hưởng những thú vui của một người đang yêu và được yêu (như “phát cơm chó” chẳng hạn).

Và tôi cũng nghĩ rằng bạn không nên dùng trí tưởng tượng để yêu một người.

Đọc nhiều truyện ngôn tình, xem nhiều phim ngôn tình (hoặc các loại phim tương tự) không có gì đáng lên án, nhưng nếu bạn áp các tiêu chuẩn từ ngôn tình các loại vào đời sống thực tế thì mọi việc sẽ trở nên khá lố bịch.

Ai cũng sẽ có những “mặt tối” – nhấn mạnh ở chữ những – nhưng trong phim, mặt tối của tổng tài bá đạo thường không tối lắm, còn lại thì sáng trưng. Vả lại, khi mạng xã hội phát triển, đôi lúc người ta lại quên rằng chị B chỉ cho thế giới thấy những gì chị muốn thế giới thấy, còn khi mình đã trở thành bạn trai của chị ấy rồi thì đương nhiên mình sẽ thấy nhiều hơn những gì thế giới thấy. Đó là khi hình tượng sụp đổ. Liệu bạn có chịu nổi không? Bạn sẽ đối diện với sự vụn vỡ này thế nào? Chấp nhận phiên bản đời thực của cô nàng, hay tiếp tục bấu víu vào ánh hào quang của cô trong tưởng tượng? Nếu bạn chọn lựa chọn số 2 thì xin chúc mừng, game over. Yêu một người cũng đồng nghĩa với việc yêu “trọn gói” con người ấy. Đúng vậy, bạn cần phải có lòng khoan dung và thực tế một chút.

Lời khuyên ở đây là đừng trông mong gì nhiều cả, dù cho người yêu của bạn là “nam thần” trong mắt chị em phụ nữ đi chăng nữa.

Ảnh của Vera Arsic trên Pexels.com

Đây là những bài học tôi đúc kết được từ người khác. Bạn có thấy ngạc nhiên không? Tôi rất sợ mình bị tổn thương khi mở lòng yêu ai đó, nên khi còn độc thân, tôi hay ngồi nghe bạn bè kể chuyện tình cảm, của họ hoặc bạn bè thân thiết của họ. Tôi gọi đó là “trải nghiệm gián tiếp.” Tuy là chuyện của người khác nhưng đôi lúc tôi thử đặt mình vào vị trí của họ, và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, hoặc mình cần làm gì tiếp theo. Dù vậy, tôi vẫn luôn tự nhủ rằng dĩ nhiên cái gì cũng có ngoại lệ, và mình nên cân nhắc đến từng trường hợp cụ thể.

Đầu năm con trâu, thôi thì chúc các độc giả của blog có tình yêu khỏe mạnh như trâu, bởi không có gì quý hơn một tình yêu lành mạnh.

Ghi chú: Vì tôi không quen nhiều người bạn thuộc cộng đồng LGBTQ+ nên tôi chỉ có thể bàn dưới góc nhìn dị tính. Về khiếm khuyết này thì tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và học hỏi mọi người nhiều hơn.

Leave a comment